CÔNG TY CỔ PHẦN VĂN HÓA VÀ DU LỊCH KINH BẮC

Cẩm nang du lịch

Du lịch khuyến mãi

Gọi điện để được tư vấn

Tổng đài: 0222.3813.233

Mrs Yến: 0965 400 456

Ms Đinh Anh: 0365 400 456

Ms Nhung: 0962 900 456

Hoặc để lại số điện thoại Kinh Bắc Travel sẽ gọi lại cho quý khách

cẩm nang du lịch Lạng Sơn

09:49 | 23/11/2023

Khí hậu

Khí hậu của Lạng Sơn thể hiện rõ nét đặc trưng khí hậu cận nhiệt đới ở miền Bắc, phân mùa đông - hè rõ rệt. Nhiệt độ trung bình năm từ 17 độ C đến 23 độ C. Nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông, đặc biệt ở đỉnh Mẫu Sơn có thể xuống dưới 0 độ C, xuất hiện băng tuyết. Nhiệt độ cao nhất vào mùa hè xấp xỉ 30 độ C.

Mùa mưa ở Lạng Sơn chủ yếu tập trung vào những tháng hè, từ tháng 6 đến tháng 8. Vì thế, mùa đông dù lạnh nhưng lại là thời điểm phù hợp cho du lịch vì khô ráo.

Di chuyển

Đường đi từ Hà Nội tới Lạng Sơn thuận tiện. Quãng đường khoảng 160 km mất chưa đến 3 tiếng di chuyển vì hầu hết đều là cao tốc. Từ trung tâm Hà Nội, du khách đi theo hướng Long Biên vào cao tốc Bắc Giang, đi tiếp CT01 sẽ tới thẳng Lạng Sơn.

Xe limousine đi Lạng Sơn có nhiều nhà xe như Duy Quang, Hoàng Hà, Quỳnh Thanh, Vân Hà, với giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng một vé. Xe khách từ 26 chỗ có giá 120.000 đồng đến 180.000 đồng một vé. Các xe xuất phát từ bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm.

Du khách từ các tỉnh khác đến Hà Nội và di chuyển theo cách cách kể trên.

Lưu trú

Điểm lưu trú tại Lạng Sơn khá phong phú, từ nhà nghỉ bình dân đến khách sạn cao cấp.

Trong thành phố, du khách có thể chọn các khách sạn 4-5 sao như Sheraton Lạng Sơn hay Mường Thanh Luxury, với giá phòng một đêm từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng. Các khách sạn 3 sao gồm có Sojo, Long Vũ, Trà Linh, Đông Phương, A1, Phú Quý với giá từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng một đêm. Các nhà nghỉ hay khách sạn bình dân có giá dao động 150.000 đồng đến khoảng 300.000 đồng.

Ngoài thành phố, các địa danh có nhiều điểm du lịch là huyện Bắc Sơn, huyện Bình Gia, huyện Hữu Lũng, huyện Lộc Bình. Tại đây có các nhà nghỉ và homestay được Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh gợi ý như Rừng Xanh, Yến Nhi, Bình Minh, Thắng Liên (Hữu Lũng); Cánh Đồng Vàng, Thuỷ Tiên, nhà sàn Bản Chăng (Bắc Sơn), Hồng Sơn, Văn Quang, Văn Tuyên (Bình Gia); Chân Mây, Công Đoàn, Hoa Quả Sơn, Hương Sơn, Mây (ở Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình).

Chơi đâu

Phố đi bộ Kỳ Lừa

Phố đi bộ Kỳ Lừa bắt đầu hoạt động từ 16/10/2020 nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố Lạng Sơn, được mở vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần từ 18h đến 24h. Phố đi bộ nằm ở tuyến đường xung quanh khu vực chợ Kỳ Lừa như Bắc Sơn, Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri. Các hoạt động ở phố đi bộ gồm trò chơi dân gian, tiết mục văn hóa - văn nghệ, thưởng thức ẩm thực, mua sắm các mặt hàng tiêu dùng, quà lưu niệm đặc trưng xứ Lạng.

Ga Đồng Đăng

Ga tàu hoả quốc tế Đồng Đăng nằm ở phía bắc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 15 km. Cùng với những hoạt động nổi bật trong kinh doanh vận tải, những năm gần đây, ga Đồng Đăng còn là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngày 25/2/2019, ga là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Chùa Tam Thanh - Động Tam Thanh

Nằm trong thành phố Lạng Sơn, động Tam Thanh thuộc quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc. Đây là di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng. Hang động Tam Thanh có những lớp thạch nhũ với hình thù đa dạng, sinh động như cây Ngô Đồng, Tiên Ông cùng vòm cao, thoáng đãng. Sâu hơn nữa trong động là hồ Âm Ty, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của hồ nước trong vắt, không bao giờ cạn.

Trong động có chùa Tam Thanh (chùa Thanh Thiền). Đây là ngôi chùa lâu đời, xưa kia là nơi thờ tự của Đạo Giáo, thờ Tam Thanh (Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh) nên có tên gọi là chùa Tam Thanh. Sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Đạo Giáo mờ nhạt trong tâm thức dân chúng địa phương, người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo, thờ Thánh vào trong di tích. Hằng năm vào các dịp lễ Tết, chùa đón lượng lớn khách thập phương về vãn cảnh, cầu may.

Thành cổ Lạng Sơn

Thành cổ nằm tại phường Chi Lăng, là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Lạng Sơn với các hoạt động giao thương sôi nổi. Thành cổ Lạng Sơn được xây theo hình chữ nhật với 4 cửa ứng với 4 hướng, được gọi là "tứ trấn", bằng những khối bản lề và những viên đá lớn chạm trổ công phu. Hiện chỉ còn 2 cổng thành phía tây và nam còn nguyên vẹn.

Núi Tô Thị

Núi Tô Thị (Vọng Phu) nằm ở xã Tam Thanh. Theo sự tích, có nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đi đánh giặc về. Chờ mãi không thấy bóng dáng chồng, hai mẹ con hoá đá. Ngày nay trên đỉnh núi Tô Thị có một tảng đá tự nhiên với hình dạng khá giống người phụ nữ bế con, nên được đặt tên là núi Vọng Phu như một biểu tượng cho tấm lòng thuỷ chung son sắt của phụ nữ Việt. Núi Tô Thị là cảnh đẹp nổi tiếng bậc nhất Lạng Sơn và cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Thành nhà Mạc

Bên cạnh núi Nàng Tô Thị là một thung lũng, có hai bức tường thành bằng đá chắn ngang, đó là di tích Thành nhà Mạc. Thành là quần thể kiến trúc quân sự được xây dựng vào thế kỷ 16, dùng để chắn con đường độc đạo từ Bắc xuống phía Nam. Hiện thành nhà Mạc còn lại đoạn tường dài 300 m, dày 1 m. Đứng ở cổng thành, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Lạng Sơn. Vượt đoạn đường gồm nhiều bậc thang từ chân đồi lên đỉnh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng núi non trùng điệp và tận hưởng bầu không khí trong lành.

Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng, nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử. Đền gồm 5 gian thờ: phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm, phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, tiếp theo là gian thờ Sơn trang; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai. Vào ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm là lễ hội Lồng Tồng tại đền Mẫu với các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên QL1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía bắc. Hữu Nghị là cửa khẩu quốc tế của Việt Nam với Trung Quốc, là cầu nối quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như giao thương giữa hai nước, và cũng là điểm nối cao tốc Nam Ninh - Hà Nội. Tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117.

Các khu chợ

Một trong các địa điểm du lịch Lạng Sơn mà nhiều du khách yêu thích đó là chợ. Lạng Sơn nổi tiếng với chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Đồng Đăng và chợ cửa khẩu Tân Thanh. Đây là tổ hợp thương mại - siêu thị gồm hàng trăm gian hàng kinh doanh, buôn bán đủ mọi loại mặt hàng. Bạn có thể tìm thấy hàng loạt sản phẩm đủ chủng loại, chất lượng và giá cả phải chăng. Chỉ cần dạo một vòng quanh chợ, bạn có thể sẽ tiêu hết số tiền mang theo. Một điều lưu ý, hãy mạnh dạn trả giá, bạn sẽ mua được món đồ yêu thích với giá hời. Các khu chợ này hiện không còn sôi động như khoảng chục năm trước, nhưng vẫn là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch.

Thung lũng hoa Bắc Sơn

Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên với diện tích hơn 20 ha. Đây là địa điểm du lịch Lạng Sơn phù hợp với giới trẻ bởi vị trí lý tưởng, phong cảnh "sơn thuỷ hữu tình". Không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, du khách còn được chiêm ngưỡng và hít hà hương thơm của các loài hoa. Thung lũng có nhiều góc chụp ảnh được trang trí bắt mắt, các loài hoa nở theo mùa và những cánh đồng lúa trải dài vô tận.

Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn

Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông bắc, theo quốc lộ 4B. Từ những năm 30 của thế kỷ 20, cùng với Đà Lạt, Sa Pa, Bà Nà, Tam Đảo, người Pháp đã khảo sát, nghiên cứu và chọn Mẫu Sơn làm nơi xây dựng những biệt thự sang trọng cho quan chức Pháp nghỉ dưỡng. Nằm trên độ cao 1.200 m - 1.541 m so với mặt nước biển, khí hậu nơi đây mang nhiều tính chất của vùng nhiệt đới và ôn đới nên mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh giá. Đặc biệt đỉnh Mẫu Sơn là một trong hai đỉnh núi ở phía Bắc thường xuất hiện tuyết rơi vào mùa đông.Đến Mẫu Sơn, du khách có thể đi trekking xuyên rừng nguyên sinh ngắm hoa đỗ quyên cổ thụ; đến khu Linh Địa Mẫu Sơn, nơi có nhiều dấu tích của một trung tâm tín ngưỡng từng tồn tại và phát triển; thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc; nếm các món ăn đặc sản của núi rừng Mẫu Sơn.

Trekking trên đỉnh Phia Pò

Đỉnh núi Cha (Phia Pò) thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, có độ cao 1.541 m so với mực nước biển, được ví như "Nóc nhà xứ Lạng". Từ thành phố Lạng Sơn, du khách đi theo quốc lộ 4B về huyện Lộc Bình, đi tiếp khoảng 6 km sẽ có đường liên thôn dẫn vào chân núi. Núi Cha có đặc trưng là những triền cỏ rộng xanh ngát về mùa hè. Mùa đông, các thảm cỏ chuyển dần sang màu vàng. Đây là nơi có không khí trong lành và cảnh thiên nhiên đẹp, hệ thực vật phong phú, hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng hàng đầu miền Bắc.

Hành trình chinh phục Phia Pò thường chia làm 2 chặng. Ngày đầu tiên trekking 3,5 km từ chân núi tới điểm cắm trại, dựng lều ăn uống và nghỉ chân qua đêm. Ngày thứ hai tiếp tục di chuyển tới đỉnh cao nhất với độ dài tương tự. Tổng quãng đường trekking hai ngày khoảng 14 km.

Thác Đăng Mò

Thác Đăng Mò thuộc huyện Bình Gia, cách Bắc Sơn 20 km. Người dân địa phương cho biết, tên thác bắt nguồn từ đồng bào dân tộc Tày do phía thượng nguồn có hai dòng suối là những mạch nước ngầm của dãy núi đá Bắc Sơn, chảy cùng một hướng rồi nhập lại thành ngọn thác trông như mũi bò. Nước đổ xuống tạo thành ba tầng. Nhìn từ xa, thác như một dải lụa vắt ngang giữa núi rừng. Thác Đăng Mò quanh năm nước đổ, được bao bọc bởi núi rừng hoang sơ. Dọc theo triền thác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những khối đá lớn nhỏ, đủ hình dáng, phủ rêu xanh. Hai bên bờ là những tán cây cổ thụ vươn dài giữa lòng thác, làm tăng sự huyền bí và vẻ đẹp quyến rũ của nơi này.

Ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng là cửa ải lịch sử tiêu biểu của Lạng Sơn, nằm tại xã Chi Lăng. Trước đây, khu vực này được coi là tường chắn của Thăng Long để ngăn chặn những cuộc viễn chinh phương Bắc. Ải Chi Lăng có chiều dài 20 km, nối liền Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là chứng tích lịch sử của nhiều cuộc chiến trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Phía tây được bao bọc bởi núi Kai Kinh, hai đầu ải là những núi đá cao, tạo thành thế hiểm trở, góp phần làm nên chiến thắng chống quân Minh và đánh tan quân xâm lược nhà Thanh.

Thảo nguyên Hữu Lũng

Thảo nguyên Đồng Lâm thuộc xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng có diện tích 100 ha, nổi tiếng bởi thảm cỏ xanh tốt, hồ nước trong, nằm giữa những vách núi hùng vĩ. Thảo nguyên đẹp nhất vào trước mùa mưa, thường từ tháng 3 đến tháng 5 khi nước chưa lên cao, làm lộ những bán đảo xanh. Mùa này cây cối cũng đâm chồi nảy lộc, nhiều sức sống, thời tiết mát mẻ, thích hợp để cắm trại, hoạt động ngoài trời, cưỡi ngựa. Để bảo vệ hệ sinh thái khu vực, du khách không lái xe vào trong thung lũng, thay vào đó là đi bộ khoảng 500 m hoặc thuê người dân chở vào.

Ăn gì

Lợn quay - vịt quay

Lợn và vịt quay lá mắc mật là món ăn đặc sản mang dấu ấn Lạng Sơn. Mùi vị của món ăn, ngoài loại thịt ngon, còn nằm ở hương vị lá mắc mật. Đây là loại cây cho lá và trái thơm, hương lạ, thường được dùng trong các món ăn của dân tộc Tày, Nùng.

Lá mắc mật sau khi tẩm gia vị được nhồi vào bụng lợn và vịt đã làm sạch, khâu kín, để cho ngấm gia vị và đem đi quay. Miếng thịt quay đạt yêu cầu phụ thuộc vào đầu bếp, vừa quay vừa phết đều mật ong hòa với nước ấm lên mình con lợn. Mật ong không chỉ có tác dụng giữ cho lợn và vịt không bị nứt da mà còn cho phần da có màu vàng bóng và giòn. Món ăn đạt yêu cầu khi thịt không bị bở, dai mềm.

Người dân địa phương pha một loại nước chấm riêng có màu vàng cánh gián, sền sệt cho lợn và vịt quay. Từ món vịt quay, du khách đến Lạng Sơn có thể thưởng thức phở vịt.

Phở chua

Phở chua Lạng Sơn thường được đựng trong một chiếc đĩa lớn, phía dưới là bánh phở, tiếp đến là thịt xá xíu, dưa chuột, lạc rang, khoai lang chiên, hành khô. Phở chua có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Nước sốt có thành phần quan trọng nhất là giấm đường, hòa quyện cùng hành tỏi phi thơm, mắm, gừng.

Phở chua Lạng Sơn có tính hàn, phù hợp để thưởng thức vào những ngày trời nóng. Nhưng bạn vẫn có thể ăn phở chua vào mùa đông khi nước sốt và bánh phở được hâm nóng lên. Tùy vào sở thích, khi ăn phở chua có thể cho thêm vài lát ớt tươi hay vắt thêm miếng chanh hoặc rắc chút hạt tiêu, cho hương vị thanh, không ngấy.

Bánh cuốn trứng

Bánh cuốn trứng được làm từ gạo tẻ ngon xay nhuyễn với nước sao cho bột không bị khô hay loãng quá. Bánh được tráng trên nồi hấp có căng một lớp vải mỏng để bánh chín hoàn toàn bằng hơi nước nóng bốc lên. Khác với bánh cuốn thường, người Lạng Sơn dùng trứng để làm nhân bánh. Ngoài ra, bánh cuốn đúng điệu phải ăn với nước chấm pha bằng giấm làm từ một loại chuối chín cây ở Lạng Sơn, loại giấm đặc trưng chỉ xứ Lạng mới có.

Khâu nhục

Khâu nhục, còn gọi là Nằm khâu, có nguồn gốc từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam nhờ người dân tộc Tày, Nùng. Đây là món ăn được dùng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi, chế biến cầu kỳ. Thành phần chính của món ăn gồm thịt lợn ba chỉ, khoai môn, cùng các hỗn hợp gia vị gồm hành, tỏi, gừng, húng lìu băm nhuyễn, đường, tiêu, dầu hào, ngũ vị hương, một ít rượu trắng và lá tàu soi – một loại rau muối mặn của người Tày, Nùng, băm nhỏ. Qua nhiều công đoạn như luộc, quay (chiên) rồi hấp cách thuỷ. Khâu nhục ăn kèm cơm, bánh mì và các loại rau trong bữa sáng hoặc bữa chính. Thịt mềm nhừ, ngấm vị khoai môn cùng gia vị, phần bì hơi ngọt, phần mỡ ngậy nhưng không có cảm giác ngấy.

Nem nướng Hữu Lũng

Nếu bạn muốn mua đặc sản Lạng Sơn làm quà, thì nem nướng Hữu Lũng là lựa chọn. Món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là thịt và bì lợn cắt nhỏ, kết hợp cùng thính, gói lại bằng lá chuối tươi. Sau một thời gian ngắn nem sẽ lên men và có vị chua chua, khi ăn cần bắc lên bếp nướng.

Bánh ngải

Bánh ngải được làm từ lá ngải non, đun với nước tro sạch cho nhừ rồi rửa, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đem đồ chín, giã đều tay cùng với lá ngải đã giã nhuyễn từ trước cho đến khi thu được khối bột mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Món bánh này thường được làm hai loại nhân là nhân vừng với đường giã nhỏ mịn hoặc nhân mè đen.